Cách Massage Bụng Cho Trẻ Sơ Sinh Bị Táo Bón Dễ Đi Cầu
Nếu bé bị táo bón, bác sĩ nhi khoa có thể đề nghị cha mẹ áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà, bao gồm massage để cải thiện các triệu chứng táo bón. Massage thường xuyên có thể làm giảm táo bón bằng cách hỗ trợ giải phóng khí thừa và các chất thải ra khỏi cơ thể. Tham khảo một số cách mát xa cho trẻ sơ sinh bị táo bón như sau:
1. Cách mát xa bụng cho trẻ bị táo bón
Nhiều nghiên cứu cho thấy, mát xa, xoa bụng cho bé bị táo bón mang lại hiệu quả điều trị khá tốt. Một số công dụng cụ thể của mát xa bụng bao gồm:
- Tăng tần suất đi đại tiện
- Giảm thời gian phân tồn tại ở đại tràng
- Giảm đau và khó chịu do táo bón mang lại
Ngoài ra, massage cũng được chứng minh là có thể kích thích các cơn co thắt, giúp phân đi qua ruột của bé một cách dễ dàng hơn. Điều này có thể hỗ trợ điều trị và cải thiện tình trạng tắc nghẽn đường ruột.
Cách mát xa cho trẻ sơ sinh bị táo bón như sau:
- Để trẻ nằm ngửa và dùng hai tay để tạo áp lực nhẹ nhàng lên bụng.
- Bắt đầu xoa bóp ở vùng bụng phía dưới bên phải của bụng theo chiều kim đồng hồ. Chú ý điều chỉnh lực tay phù hợp để tránh làm tổn thương nội tạng của trẻ.
- Tiếp tục xoa bóp nhẹ nhàng ở xương hông phải và trái của trẻ.
- Sử dụng các đầu ngón tay để ấn vào bụng của trẻ và di chuyển từ dưới lên trên.
- Massage liên tục trong 15 phút để đạt hiệu quả tốt nhất.
Cha mẹ, người thực hiện massage có thể sử dụng dầu ô liu hoặc một số loại dầu xoa bóp khác để tăng hiệu quả khi massage. Có thể áp dụng cách xoa bụng cho bé bị táo bón bất cứ lúc nào cảm thấy cần thiết, tuy nhiên không nên lạm dụng phương pháp.
2. Massage đại tràng trị táo bón cho bé
Massage đại tràng là một dạng xoa bóp bụng sâu. Phương pháp thường được sử dụng để:
- Loại bỏ khí thừa, tắc nghẽn hoặc chất thải trong cơ thể
- Giảm sản xuất dịch tiêu hóa
- Cải thiện sức khỏe tiêu hóa
Cách massage đại tràng cho trẻ bị táo bón được thực hiện như sau:
- Để trẻ ngồi hoặc nằm với đầu gối cong. Điều này có thể làm giảm áp lực ở cơ bụng, giúp bụng mềm hơn.
- Sử dụng đầu ngón tay để vuốt hoặc tạo áp lực nhẹ nhàng lên bụng của trẻ.
- Bắt đầu massage từ góc dưới bên phải của bụng và di chuyển lên trên.
- Sau đó bắt đầu massage dưới xương sườn và đi sang bên trái và trung tâm của bụng.
3. Trị táo bón cho bé bằng cách massage chân
Ngoài cách massage ở vùng bụng, cha mẹ có thể tham khảo một số cách massage ở chân để điều trị táo bón cho trẻ. Massage chân hay còn được kết hợp với bấm huyệt thường mang lại hiệu quả điều trị táo bón khá cao. Theo một số nghiên cứu cho thấy, trẻ em được massage 30 phút mỗi ngày trong 6 tuần liên tục có thể cải thiện tình trạng táo bón và hỗ trợ việc đi ngoài dễ dàng hơn.
Cách massage chân điều trị táo bón ở trẻ như sau:
- Sử dụng ngón tay cái để xoa bóp ở giữa gót chân. Sau đó tiến đến xoa bóp ở lòng bàn chân.
- Thực hiện xoa bóp bắt đầu từ cạnh bàn chân đến trung tâm chân theo hình đường tròn.
- Lặp lại các động tác ở bàn chân còn lại.
Việc Massage cho trẻ sơ sinh bị táo bón cần được thực hiện một cách cẩn thận. Đợi ít nhất là 45 phút kể từ lúc cho bé ăn trước khi tiến hành massage. Ngoài ra, nếu bé có một số bệnh lý khác, hãy trao đổi với bác sĩ để thực hiện massage an toàn.
Biện pháp phòng ngừa táo bón ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bú mẹ thường hiếm khi bị táo bón. Trong hầu hết các trường hợp, táo bón thường xảy ra ở những trẻ bú sữa công thức hoặc ăn thức ăn rắn quá sớm. Ngoài trừ việc massage, cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp cải thiện táo bón ở trẻ như sau:
- Giúp trẻ vận động để hỗ trợ kích thích ruột của bé. Cha mẹ có thể nhẹ nhàng di chuyển chân của bé để mô phỏng động tác đạp xe đạp. Điều này có thể kích thích ruột hoạt động và giảm táo bón.
- Thay đổi chế độ ăn uống tùy thuộc vào độ tuổi và chế độ ăn của trẻ. Nếu nuôi con bằng sữa mẹ, phụ nữ có thể tham khảo một số loại thức ăn để hỗ trợ hệ thống tiêu hóa ở trẻ. Đối với trẻ bú sữa công thức, hãy trao đổi với bác sĩ để chọn loại sữa phù hợp nhất.
- Đối với trẻ trên 4 tháng tuổi, cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để cho trẻ bổ sung trái cây, nước trái cây.
Thông thường tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh sẽ được cải thiện sau 1 - 2 ngày. Do đó, nếu trẻ không thể đi ngoài sau 2 ngày, hãy đứa bé đến bệnh viện. Ngoài ra, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa nếu trẻ có các dấu hiệu như:
- Có máu trong phân
- Bé có dấu hiệu bị đau bụng
- Hay quấy khóc
- Bị tiêu chảy xen lẫn táo bón
Trong các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kiểm tra sức khỏe của bé và kê một số thuốc điều trị. Tuy nhiên, không bao giờ sử dụng thuốc cho trẻ sơ sinh nếu không nhận được sự đồng ý của bác sĩ chuyên môn.
Táo bón ở trẻ sơ sinh có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Do đó, nếu massage hoặc các biện pháp khắc phục tại nhà không mang lại hiệu quả, cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được điều trị phù hợp.